Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  PHẪU THUẬT KẾT HỢP XƯƠNG TRÊN MÀN HÌNH TĂNG SÁNG (10.932)

PHẪU THUẬT KẾT HỢP XƯƠNG TRÊN MÀN HÌNH TĂNG SÁNG (10.932)

Quyết định số: 11/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 04/01/2022 12:00

Đại cương

Năm 1977, phẫu thuật kết hợp xương bằng kỹ thuật xuyên kim qua da dưới màn tăng sáng ra đời bởi Jean Paul Mestaizeau (Pháp) đã mở ra cuộc cách mạng cho điều trị gãy xương nói chung và gãy xương dài ở trẻ em nói riêng. Hiện tại ở Việt Nam, phẫu thuật kết hợp xương trên màn hình tăng sáng là kỹ thuật mới và ngày càng được sử dụng rộng rãi những năm gần đây.
Ưu điểm của phương pháp là ít tổn hại phần mềm xung quanh, thời gian mổ ngắn, bộc lộ chính xác vị trí ổ gãy, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, giảm số ngày nằm viện sau mổ, giảm đau trong mổ và sau mổ tốt, tạo điều kiện tập phục hồi chức năng sớm, người bệnh sớm trở lại sinh hoạt bình thường. Có tính thẩm mỹ cao, giảm thiểu biến chứng như nhiễm trùng.

Chỉ định điều trị

- Người bệnh bị chấn thương gãy xương chi thể đã được thăm khám và chẩn đoán phải mổ kết hợp lại xương.
- Người bệnh bị gãy xương nội khớp như: gãy xương cổ tay, gãy xương khuỷu tay, gãy đầu trên cánh tay, gãy cổ xương đùi ở người trẻ…
- Người bệnh mổ gãy thân xương dài như gãy đùi, cẳng chân, cẳng tay dự kiến sử dụng phương pháp mổ không mở ổ gãy hoặc mở nhỏ ít xâm lấn.

Chống chỉ định

- Toàn thân: bệnh lý toàn thân nặng, nhiễm trùng không cho phép phẫu thuật.

Chuẩn bị

1. Người thực hiện
- Phẫu thuật viên là bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình được đào tạo 
2. Phương tiện
- Bộ dụng cụ phẫu thuật 
- Hệ thống máy C-ARM và màn hình được kết nối với nhau
- Vật tư và phương tiện dự kiến cho ca mổ kết hợp xương
3. Người bệnh
- Người bệnh và gia đình được giải thích rõ trước mổ về tình trạng bệnh và tình trạng chung, về những khả năng phẫu thuật sẽ thực hiện, về những tai biến, biến chứng, di chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, tê, giảm đau, do cơ địa của người bệnh.
- Nâng cao thể trạng, cân bằng những rối loạn do hậu quả của bệnh hoặc do cơ địa, bệnh mãn tính, tuổi. 
- Điều trị ổn định các bệnh nội khoa như cao huyết áp, đái đường,… trước khi can thiệp phẫu thuật (trừ trường hợp mổ cấp cứu). Truyền máu nếu người bệnh có thiếu máu nhiều.
- Nhịn ăn, thụt tháo, vệ sinh vùng phẫu thuật và toàn thân.
- Có thể dùng kháng sinh dự phòng trước mổ hoặc không..
- Hồ sơ bệnh án: Hoàn thiện theo quy định bệnh án.
- Ghi đầy đủ, chi tiết các lần thăm khám, hội chẩn, giải thích cho người bệnh và gia đình.
4. Dự kiến thời gian phẫu thuật: 120 phút

Các bước tiến hành

1. Tư thế: Tư thế và đường vào lựa chọn theo từng người bệnh và tổn thương
2. Vô cảm
- Gây tê đám rối với chi trên, tê tủy sống với chi dưới hoặc gây mê toàn thân
3. Kỹ thuật
- Nắn chỉnh kín hoặc có mở ổ gãy đặt lại xương có hỗ trợ của máy C-ARM
- Cố định và kết hợp xương trên màn hình tăng sáng
- Kiểm tra lại diện gãy, trục giải phẫu, hướng và chiều dài vít không đi vào khớp.
- Đóng vết mổ: Khâu cân cơ, khâu da theo giải phẫu.

Tai biến và xử trí

1. Theo dõi
- Theo dõi sát người bệnh về tình trạng toàn thân: Mạch, huyết áp, nhiệt độ cũng như tình trạng tại chỗ như vết mổ, tình trạng đầu chi, phim X-quang chụp lại để đánh giá và xử trí tùy theo từng biến chứng.
2. Biến chứng
- Tụ máu, phù nề sau mổ
- Nhiễm trùng
- Tổn thương mạch máu, thần kinh
- Chậm liền, khớp giả