Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  PHẪU THUẬT CẮT CỤT CHI

PHẪU THUẬT CẮT CỤT CHI

Quyết định số: 11/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 04/01/2022 12:00

Đại cương

- Phẫu thuật cắt cụt chi thể có từ rất sớm trong lịch sử y học, cho đến gần đây sau công trình của Rolf-Diderich thì phẫu thuật này mới được nghiên cứu sâu rộng. Cắt cụt không còn là phẫu thuật đơn thuần mà đã trở thành một chuyên nghành có nguyên lý điều trị, theo dõi và đánh giá riêng biệt trong đó luôn luôn có sự phối hợp của: chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng và tâm lý trị liệu. 
- Mục đích của cắt cụt không chỉ ở sự cắt bỏ phần chi mà là ở sự phục hồi chức năng của đoạn chi đó.

Chỉ định điều trị

1. Chỉ định cắt cụt trong chấn thương, vết thương 
1.1. Chỉ định cắt cụt kỳ đầu  
Vết thương đến sớm 
- Những cắt cụt tự nhiên: chi đứt hoàn toàn hoặc còn dính một phần da, gân mà điều kiện nối ghép không có. 
- Chi thể bị giập nát quá nhiều cả phần mềm,xương, mạch máu thần kinh bị giập nát, khả năng nuôi dưỡng đoạn chi đó không còn. 
Vết thương đến muộn 
- Khi ga-rô đã đặt lâu mà tổ chức dưới chỗ ga- rô bị hoại tử do thiếu nuôi dưỡng thì phải cắt cụt để cứu sống tính mạng người bệnh. 
- Những vết thương nhiễm khuẩn yếm khí hoặc nhiễm khuẩn nặng khác mà xét thấy điều trị bảo tồn không kết quả. 
Chỉ định cắt cụt muộn 
- Tổn thương mạch máu nhiều nhưng hy vọng còn có thể bảo tồn được thì để lại theo dõi một thời gian, nếu thấy tình trạng thiếu dinh dưỡng của chi thể ngày một nặng thêm thì nên có chỉ định cắt cụt. 
- Chi thể bị nhiễm khuẩn còn hy vọng có thể điều trị bảo tồn được, nhưng sau một thời gian điều trị, tình trạng nhiễm khuẩn ngày càng nặng thêm, đe doạ tính mạng người bệnh. Cắt cụt lúc này nhằm mục đích trừ bỏ ổ nhiễm khuẩn một cách triệt để nhất để cứu sống tính mạng người bệnh. 
1.2. Chỉ định cắt cụt kỳ hai  
- Những trường hợp đã làm phẫu thuật tạo hình, nhưng không thể trả lại cơ năng chi thể thích hợp vì các tư thế lệch vẹo, co quắp, nhiều khi vướng bận thêm trong lao động và sinh hoạt, cần cắt cụt để thay thế bằng chi giả thích hợp hơn. 
- Những trường hợp viêm xương, viêm khớp bị huỷ hoại nhiều, có xu hướng lan rộng mà khả năng điều trị bảo tồn không còn. 
- Những trường hợp đã được cắt cụt hoặc tháo khớp mà hiện tại mỏm cũ xấu hoặc không đạt yêu cầu để lắp chi giả (mỏm cụt bị viêm xương, chồi xương dưới da, bị loét...hoặc bị đau, bỏng buốt do u thần kinh). 
 

Chống chỉ định

Không có chống chỉ định

Chuẩn bị

1. Người thực hiện
- Phẫu thuật viên chuyên ngành chấn thương chỉnh hình.
- Hai phẫu thuật viên phụ mổ. 
2. Người bệnh
- Chuẩn bị hồ sơ bệnh án đầy đủ thủ tục hành chính.
- Người bệnh và gia đình được giải thích rõ trước mổ về tình trạng bệnh và tình trạng chung, về những khả năng khẫu thuật sẽ thực hiện, về những tai biến, biến chứng, di chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, tê, giảm đau, do cơ địa của người bệnh.
- Chăm sóc phần mềm đảm bảo khả năng thực hiện phẫu thuật.
- Nâng cao thể trạng, cân bằng những rối loạn do hậu quả của những chấn thương kèm theo, hoặc do cơ địa hay các bệnh mãn tính, tuổi. Điều trị ổn các bệnh nội khoa như tăng huyết áp, đái tháo đường, truyền máu nếu người bệnh thiếu máu nhiều.
- Nhịn ăn, thụt tháo, vệ sinh vùng phẫu thuật và toàn thân.
- Dùng kháng sinh dự phòng trước mổ.
3. Phương tiện
- Dao dài (dao cắt cụt): dao dài bao nhiêu tuỳ thuộc vị trí định cắt cụt 
- Cưa: thường dùng cưa bàn hoặc cưa khung 
- Dụng cụ giữ xương 
- Tuốt màng xương, dũa xương. 
- Kìm gặm xương, kìm cắt xương. 
- Dụng cụ bảo vệ phần mềm khi cưa xương: Đĩa vén cơ, gạc to dài. 
- Lưỡi dao mỏng sắc để cắt dây thần kinh 
4. Dự kiến thời gian phẫu thuật: 60 phút

Các bước tiến hành

1. Tư thế:
- Người bệnh nằm ngửa dưới vô cảm, kê mông cùng bên phẫu thuật.

2. Vô cảm: 
- Tuỳ theo vị trí cắt cụt và tình trạng toàn thân của người bệnh mà chọn phương pháp vô cảm cho thích hợp như: gây mê, gây tê trong xương, gây tê tuỷ sống hoặc gây tê tại chỗ kết hợp với gây tê vùng. 
3. Kỹ thuật 
- Cầm máu tạm thời bằng ga rô sau khi đã cuộn băng Esmarck. 
- Cắt vạt da. 
- Cắt cơ : có hai cách cắt 
+ Cắt ngay một thì cho tới xương (vết thương chiến tranh, vết thương hoại thư…). 
+ Cắt từng lớp: 
- Xử lý mạch máu chính 
Phải thắt buộc mạch máu ngang mức cắt của cơ mà nó nuôi dương. 
Mạch máu to cần phải buộc hai lần.  
Mạch máu nhỏ chỉ cần buột một lần. 
- Thần kinh đùi, ngồi
Phải cắt cao hơn mức cưa xương. 
Cắt thần kinh phải dùng dao sắt, cắt một nhát gọn và dứt khoát 
Đối với dây thần kinh ngồi cần phải phong bế Lidocain trước khi bóc tách 
- Cưa xương 
Trước khi cưa xương dùng đĩa vén cơ hoặc gạc vén các cơ xung quanh lên cao, cắt màng xương chỗ định cưa xương và lóc từ trên xuống.
Cưa xong phải dũa nhẵn các đầu xương rồi rửa sạch mùn xương bằng huyết thanh mặn đẳng trương ấm. 
- Nới từ từ ga rô và cầm máu bổ xung, sửa lại mõm cụt. 
- Khâu mõm cụt (trong điều kiện cho phép ) . 
Khâu các nhóm cơ đối xứng với nhau bằng chỉ tiêu số 1 
Khâu cân và da bằng chỉ lanh. 
Đặt dẫn lưu trong 24-28 giờ đầu. 
- Sau khi mổ, dùng kháng sinh toàn thân liều cao 
Theo dõi chảy máu và nhiễm trùng 

Tai biến và xử trí

- Máu tụ mõm cụt: lấy làm sạch máu tụ.
- Nhiễm trùng: sửa mỏm cụt, làm sạch, để hở.
- Hoại tử: cắt lọc tổ chức hoại tử.
- Co rút tư thế xấu: sửa mỏm cụt.
- U thần kinh, u nhạy cảm chi ma.