Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  XẠ HÌNH TUYẾN CẬN GIÁP VỚI 99mTc-MIBI

XẠ HÌNH TUYẾN CẬN GIÁP VỚI 99mTc-MIBI

Quyết định số: 705/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 28/02/2014 12:00

Đại cương

Người bình thường có 4 tuyến cận giáp(parathyroid)trọng lượng 35-50mg, nằm dọc mặt sau tuyến giáp. Tuyến cận giáp có chức năng tổng hợp, lưu trữ và bài tiết hormon (Parathyroid Hormon: PTH) chuyển hóa calci.
Ghi hình tuyến cận giáp có thể dùng cặp 2 đồng vị 201Tl/99mTc; 201Tl/ 99mTc- MIBI hoặc với 99mTc-MIBI đơn thuần.
 

Chỉ định điều trị

- Phát hiện u tuyến cận giáp.
- Tăng sản hoặc carcinoma ở người bệnh tăng calci máu và tăng PTH.
 

Chống chỉ định

Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

Chuẩn bị

1. Người thực hiện
- Bác sỹ chuyên khoa Y học hạt nhân
- Điều dưỡng Y học hạt nhân
- Cán bộ hóa dược phóng xạ
- Kỹ thuật viên Y học hạt nhân
- Cán bộ an toàn bức xạ
2. Phương tiện, thuốc phóng xạ
- Máy ghi đo: máy Gamma Camera, SPECT, SPECT/CT có trường nhìn rộng,bao định hướng năng lượng thấp, đa mục đích, độ phân giải cao. Máy chuẩn liều bức xạ gamma, máy đo rà bức xạ gamma.
- Thuốc phóng xạ:
99mTc : T1/2 = 6 giờ; mức năng lượng Eγ=140keV.
Hợp chất đánh dấu: Methyl Iodo Belzin Isonitril (MIBI), dạng kít bột đông khô Liều dùng: 15-30 mCi (555-1.110 MBq), tiêm tĩnh mạch.
3. Dụng cụ, vật tư tiêu hao
- Bơm tiêm 1ml, 3ml, 5ml, 10ml.
- Kim lấy thuốc, kim tiêm.
- Bông, cồn, băng dính.
- Găng tay, khẩu trang, mũ, áo choàng y tế.

- Áo chì, kính chì, cái bọc bơm tiêm bằng chì, liều kế cá nhân.
4. Chuẩn bị người bệnh
Người bệnh nhịn ăn trước xạ hình 4-6 giờ, không dùng các chất kích thích. Được giải thích về quy trình kỹ thuật sẽ thực hiện để phối hợp.
 

Các bước tiến hành

1. Tách chiết - Đánh dấu thuốc phóng xạ
- Chiết 99mTc từ bình chiết.
- Bơm dung dịch 99mTc-pertechnetat vào lọ MIBI, lắc tan, ủ trong nhiệt độ sôi 10-15 phút. Để nguội ở nhiệt độ phòng.
- Hút liều99mTc-MIBI cho mỗi người bệnh, liều15-30 mCi .
2. Tiêm 99mTc-MIBI và Ghi đo
- Tư thế người bệnh:người bệnh nằm ngửa, gối để trên vai, ưỡn cổ.
- Tiêm tĩnh mạch tay liều 99mTc-MIBI đã chuẩn bị
- Chế độ máy: mỗi tư thế 5 phút hoặc 1.000 kcounts.
- Tư thế ghi đo:
+ Thẳng trước (Ant)
+ Chếch trước trái (LAO)
+ Chếch trước phải (RAO)
- Thời gian ghi đo:
+ Ghi ngay sau tiêm 1 giây/ hình x 60 hình (Pha tưới máu)
+ Ghi hình tĩnh: sau tiêm 10 phút, 1 giờ, 2 giờ.
 

Tai biến và xử trí

VI. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ
1. Tuyến cận giáp không lên hình: có thể do nhược năng tuyến cận giáp
Là tình trạng tuyến cận giáp không bài tiết đủ PTH làm giảm hoạt động chức năng của tuyến dẫn đến các rối loạn do tình trạng giảm nồng độ calci huyết với các biểu hiện: co cơ, có thể xuất hiện cơn tetany nếu nặng.
2. Tuyến cận giáp phì đại: cường năng tuyến cận giáp
Là tình trạng tuyến cận giáp phì đại, tăng tiết quá mức PTH, làm tăng quá trình huỷ xương mạnh dẫn đến tăng cao nồng độ calci trong máu đồng thời làm  xương rỗng, yếu và dễ gẫy hơn. Lượng calci đào thải qua thận nhiều cũng dễ gây tình trạng sỏi thận.
Bệnh cường tuyến cận giáp có thể tiên phát hoặc thứ phát. Khoảng 80% cường tuyến cận giáp tiên phát là do u tuyến cận giáp. Người bệnh cường tuyến cận giáp nguyên phát không có triệu chứng thường được chẩn đoán bằng các xét nghiệm sinh hóa.

Đa số các trường hợp cường cận giáp nguyên phát là do tăng hoạt động chức năng của một tuyến đơn độc, số ít do nhiều tuyến (15%), và một tỷ lệ rất ít do do ung thư tuyến cận giáp (1%).
Xạ hình với 99mTc-MIBI độ nhạy 70-80% với u tuyến 500-1.500mg; 100% khi u tuyến cận giáp >1.500mg.
VII. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
- Kỹ thuật ghi hình an toàn, hầu như không có tai biến gì trong và sau chụp hình.
- Người bệnh dị ứng với thuốc phóng xạ: rất hiếm gặp. Xử trí: dùng thuốc chống dị ứng, tuỳ mức độ.