Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  PHẪU THUẬT SINH THIẾT TỔN THƯƠNG NỘI SỌ CÓ ĐỊNH VỊ DẪN ĐƯỜNG

PHẪU THUẬT SINH THIẾT TỔN THƯƠNG NỘI SỌ CÓ ĐỊNH VỊ DẪN ĐƯỜNG

Quyết định số: 11/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 04/01/2022 12:00

Đại cương

Ngày nay, những tiến bộ về chẩn đoán hình ảnh như CT và MRI giúp ích rất nhiều cho việc phát hiện sớm các bệnh lý của não. Mặc dù nhiều trường hợp tổn thương có những đặc điểm hình ảnh riêng trên CT và MRI, có nhiều trường hợp thông tin đó là không đủ để đưa ra quyết định về điều trị. Nhất là những trường hợp tổn thương nằm ở sâu, ở những vùng chức năng của não như thân não, bao trong, đồi thị, vùng vận động, cảm giác... Do vậy, sinh thiết là một xét nghiệm quan trọng, không thể thiếu được. 
Mặc dù sinh thiết dưới định vị có độ chính xác cao hơn, ít tổn thương nhu mô não hơn, nhưng nó cũng có những hạn chế của nó như những trường hợp tổn thương não giàu mạch nuôi, hoặc tổn thương não gần các cấu trúc mạch máu lớn.


Chỉ định điều trị

- Tổn thương não ở nông gần vỏ não

- Tổn thương ở gần các cấu trúc mạch máu lớn

- Tổn thương ở gần các vùng chức năng như thân não, bao trong, các hạch nền... 

Chống chỉ định

Tổn thương có nguy cơ chảy máu cao

Chuẩn bị

1. Người thực hiện
- Phẫu thuật viên thần kinh 
- Hai phụ mổ
- Kíp gây mê: Bác sĩ gây mê, KTV phụ gây mê, nhân viên trợ giúp 
- Kíp dụng cụ: Dụng cụ viên, chạy ngoài 
2. Người bệnh
- Được chẩn đoán bệnh, xét nghiệm sinh học, đánh giá toàn trạng bệnh phối hợp và được điều trị, nuôi dưỡng, cân bằng đủ đảm bảo cho cuộc phẫu thuật dự kiến 
- Người bệnh và gia đình được giải thích rõ trước mổ về tình trạng bệnh và tình trạng chung, về những khả năng phẫu thuật sẽ thực hiện, về những tai biến, biến chứng, di chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, tê, giảm đau, do cơ địa của người bệnh. 
- Người bệnh được vệ sinh, gội đầu, tắm rửa sạch. Tóc có thể cạo hoặc không, nhịn ăn uống trước mổ ít nhất 6h. 
3. Phương tiện 
- Bộ dụng cụ mở sọ thông thường, gồm: dao mổ, khoan sọ, panh, kéo, kẹp phẫu tích có và không răng, valve vén hay farabeuf, kìm kẹp kim, maleate, panh gắp u, máy hút, dao điện, bipolar…
- Vật tư tiêu hao: gạc con 50 chiếc, bông sọ não 30 cái, chỉ vicryl 2/0 2-3 sợi, prolene 4/0 1-2 sợi, dafilon 3/0 1-2 sợi 
- Vật liệu cầm máu: surgicel, spongel ... 
4.   Dự kiến thời gian phẫu thuật: 120 phút

Các bước tiến hành

1. Tư thế
- Tuỳ theo vị trí của tổn thương mà quyết định đường mổ, trong phần lớn trường hợp, người bệnh nằm tư thế ngửa, đầu cố định trên khung Mayfield. Lắp hệ thống định vị và nạp dữ liệu người bệnh.
- Sát khuẩn: sau khi xác định đường mổ, sát khuẩn quanh đường mổ từ 15- 20cm 
- Trải toan bao phủ quanh trường mổ 
2.   Vô cảm: gây tê da đầu đường mổ

3.   Kỹ thuật
- Rạch da theo đường mổ 
- Khoan mở nắp sọ, độ rộng của mảnh xương sọ tuỳ thuộc vào kích thước và vị trí của tổn thương trên nhu mô não. Khoan 01 lỗ nếu sinh thiết bằng kim sinh thiết.
- Khâu treo màng cứng chỉ prolene 4/0
- Mở màng cứng vòng cung
- Lấy tổn thương: xác định vị trí tổn thương, cầm máu vỏ não, mở vỏ não tiếp cận tổn thương, tiến hành lấy một phần tổn thương gửi giải phẫu bệnh.
- Cầm máu diện lấy u bằng bipolar, surgicel.
- Đóng màng cứng hoặc vá tạo hình màng cứng nếu cần.
- Đặt lại xương cố định bằng ghim sọ
- Đặt 1 dẫn lưu dưới da đầu
- Đóng da theo các lớp giải phẫu bằng chỉ Vicryl 2/0 và chỉ Dafilon 3/0 

Tai biến và xử trí

1. Theo dõi
- Tình trạng toàn thân: mạch, huyết áp, hô hấp 
- Tình trạng nhiễm trùng: sốt 
- Tình trạng thần kinh: tri giác, dấu hiệu thần kinh khư trú, co giật, đồng tử,... 
- Tình trạng vết mổ: có chảy máu, nhiễm trùng, chảy dịch não tuỷ không, dẫn lưu ra dịch như thế nào.
- Dẫn lưu dưới da đầu thường rút sau mổ 24-48h, không để lâu hơn do nguy cơ nhiễm trùng. 
2. Xử trí biến chứng và tai biến
- Chảy máu: mổ lại cầm máu hoặc điều trị nội khoa
- Phù não ít, người bệnh tỉnh táo thì điều trị nội khoa, giảm phù nề
- Phù não nhiều sau mổ thì mổ lại giải toả não rộng và thuốc giảm phù nề.
- Nhiễm khuẩn: điều trị nội khoa