Các bài viết liên quan
- PHẪU THUẬT TỤ MỦ DƯỚI MÀNG CỨNG
- PHẪU THUẬT THAY BỘ PHÁT KÍCH THÍCH ĐIỆN CỰC THẦN KINH, ĐẶT DƯỚI DA
- PHẪU THUẬT SINH THIẾT TỔN THƯƠNG NỘI SỌ CÓ ĐỊNH VỊ DẪN ĐƯỜNG
- PHẪU THUẬT NỐI ĐỘNG MẠCH TRONG-NGOÀI SỌ
- PHẪU THUẬT MỞ THÔNG NÃO THẤT, NANG DƯỚI NHỆN QUA MỞ NẮP SỌ
- PHẪU THUẬT MỞ CUNG SAU ĐỐT SỐNG ĐƠN THUẦN KẾT HỢP VỚI TẠO HÌNH MÀNG CỨNG TUỶ
- PHẪU THUẬT LẤY MÁU TỤ TRONG NÃO THẤT
- PHẪU THUẬT LẤY MÁU TỤ QUANH Ổ MẮT SAU CTSN
- PHẪU THUẬT LẤY MÁU TỤ NGOÀI MÀNG CỨNG TRÊN LỀU TIỂU NÃO
- PHẪU THUẬT LẤY MÁU TỤ NGOÀI MÀNG CỨNG NHIỀU VỊ TRÍ TRÊN LỀU TIỂU NÃO VÀ/HOẶC DƯỚI LỀU TIỂU NÃO
PHẪU THUẬT ĐẶT ĐIỆN CỰC TUỶ SỐNG BẰNG ĐƯỜNG MỞ CUNG SAU
Quyết định số: 11/QĐ-BYT
Ngày ban hành: 04/01/2022 12:00
Đại cương
Phẫu thuật đặt điện cực tuỷ sống được tiến hành nhằm đặt các điện cực trong ống sống của người bị liệt để kích hoạt các tín hiệu với bộ não chỉ đạo sự chuyển động của chân như đi bộ bị ngắt quãng. Các điện cực được nối với một máy phát xung. Thiết bị này sau đó được phẫu thuật cấy ghép vào ống sống của người bệnh ở các vùng kiểm soát cơ bắp chân của họ. Để có được kết quả phẫu thuật tốt, các bác sỹ phải cấy điện cực tại các điểm cụ thể trong cột sống. Tuy nhiên, cái khó của phương pháp chính là sự chính xác về thời gian và vị trí đặt điện cực, điều này rất quan trọng đối với khả năng phục hồi của một người bệnh nên việc kích thích mục tiêu phải hết sức chính xác. Bên cạnh đó, sự chính xác này lại đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật cần có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm, hiểu rõ về cấu trúc giải phẫu cơ thể người, về cơ chế giao tiếp cơ bản của não bộ với cơ bắp để có thể xác định và đặt đúng các điện cực tại các vị trí khác nhau trong đốt sống có tác dụng với các nhóm cơ khác nhau ở chân, giúp người bị liệt cảm nhận cơ thể, dần dần di chuyển được.
Ngoài ra, phẫu thuật đặt điện cực tuỷ sống cũng có vai trò trong việc giảm đau cột sống cho người bệnh khi các phương pháp điều trị nội khoa, ngoại khoa, phục hồi chức năng thất bại.
Chỉ định điều trị
- Người bệnh liệt tuỷ, tổn thương tuỷ mà các biện pháp điều trị khác đã thất bại : nội khoa, phục hồi chức năng...
- Đau cột sống dai dẳng kéo dài đã thất bại với các biện pháp điều trị khác.
Chống chỉ định
- Người bệnh từ chối thực hiện
- Người bệnh mắc các bệnh lý chống chỉ định chung của ngoại khoa : bệnh nặng, mãn tính, thể trạng kém...
- Dị ứng với điện cực.
Chuẩn bị
1. Người thực hiện
- Phẫu thuật viên chuyên khoa ngoại thần kinh
- Số lượng PTV phụ mổ: 2 người
2. Người bệnh
- Người bệnh và gia đình được giải thích rõ trước mổ về tình trạng bệnh và tình trạng chung, về các khả năng phẫu thuật sẽ thực hiện, về những tai biến, biến chứng, di chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, gây tê, giảm đau, do cơ địa người bệnh...
- Nâng cao thể trạng, cân bằng các rối loạn do hậu quả của bệnh hay do cơ địa, bệnh mãn tính, tuổi.
- Điều trị ổn định các bệnh nội khoa như đái tháo đường, cao huyết áp.... trước khi can thiệp phẫu thuật (trừ trường hợp mổ cấp cứu). Truyền máu nếu người bệnh có thiếu máu nhiều.
- Nhịn ăn, thụt tháo, vệ sinh vùng phẫu thuật và toàn thân.
- Dùng kháng sinh dự phòng trước mổ.
3. Phương tiện
- Dụng cụ theo chuyên khoa, máy móc, vật tư tiêu hao.
- Điện cực thần kinh và các máy đo thích hợp
- Dụng cụ phẫu thuật cột sống
4. Dự kiến thời gian phẫu thuật : 90 phút
Các bước tiến hành
1. Tư thế : người bệnh nằm sấp , phía dưới có đệm tỳ đè
2. Vô cảm: gây mê nội khí quản
3. Kỹ thuật :
- Bước 1 : Xác định vị trí đặt điện cực, nếu cần có thể dùng đến Carm
- Bước 2 : Sát khuẩn, trải toan
- Bước 3 : Rạch da, bộc lộ tách cơ cạnh sống
- Bước 4 : kiểm tra lại 1 lần nữa sự chính xác của vị trí đặt điện cực
- Bước 5 : Dùng dụng cụ mở cung sau đúng theo vị trí đã xác định
- Bước 6 : Mở màng cứng, đặt điện cực và kiểm tra các xung thần kinh.
- Bước 7 : Đóng kín màng cứng
- Bước 8 : Đặt dẫn lưu ổ mổ, cầm máu kỹ và đóng vết mổ theo giải phẫu.
Tai biến và xử trí
1.Theo dõi :
- Các dấu hiệu sinh tồn sau mổ: Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở...
- Dẫn lưu ổ mổ số lượng, màu sắc
2. Các biến chứng sau mổ có thể xảy ra và nguyên tắc xử lý
- Tổn thương thần kinh tiến triển nặng hơn sau mổ : theo dõi sát các triệu chứng liên quan đến vận động, cảm giác, các phản xạ....dùng corticoid, điều chỉnh lại các xung thần kinh, nếu không đỡ phải mổ để đặt lại.
- Chảy máu ổ mổ, chảy máu tuỷ sống : theo dõi sát dẫn lưu, các dấu hiệu thần kinh, nên phải mổ lại để cầm máu, giảm áp tuỷ
- Nhiễm trùng: theo dõi sát các dấu hiệu nhiễm trùng tại vị trí mổ, điều trị bằng kháng sinh phổ rộng, nếu không đỡ phải mổ để rút điện cực.