Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ VIÊM XƯƠNG ĐỐT SỐNG

PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ VIÊM XƯƠNG ĐỐT SỐNG

Quyết định số: 5590/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 13/12/2017 12:00

Đại cương

Bệnh lý “viêm xương đốt sống” phải mổ thường đề cập đến là áp xe cột sống do lao. Vị trí tổn thương cột sống hay gặp là vùng cột sống thắt lưng. Các bệnh lý viêm cột sống, đĩa đệm khác thường điều trị nội khoa.

Chỉ định điều trị

- Áp xe cột sống (thường do lao) kèm theo:

- Chèn ép tủy

- Hội chứng đuôi ngựa

- Tổn thương phá hủy làm mất vững thân đốt sống

Chống chỉ định

- Các nhiễm trùng lan tỏa

- Viêm đĩa đệm thông thường

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

- Kíp mổ: tổng số 7 người.

- Phẫu thuật viên (PTV) chuyên khoa ngoại thần kinh hoặc phẫu thuật cột sống.

2. Người bệnh

- Bệnh án: phim chụp Xquang cột sống thắt lưng thẳng nghiêng, chụp cộng hưởng từ (CHT), CLVT cột sống. Các xét nghiệm cơ bản khác: máu, siêu âm..

- Ngày trước mổ: thụt tháo (uống thuốc tẩy và dùng Microlax). Vệ sinh chung, tắm rửa chung. Nhịn ăn uống tối trước mổ.

3. Phương tiện

- Các phương tiện cơ bản: dao điện đơn cực, lưỡng cực, chỉ tiêu Vicryl 2-0, số 1…, surgicel, xi xương, bộ dẫn lưu kín, sonde tiểu, các đường truyền.

- Các phương tiện chuyên khoa: Banh vết mổ cột sống (loại to). Bộ nẹp Vis cột sống lưng, ốc khóa, thanh Rod, thanh ngang. Panh lấy đĩa đệm (quay lên, xuống, thẳng). Khoan mài. Máy C-arm chụp kiểm tra.

- Bộ dụng cụ cột sống chuyên dụng.

4. Thời gian phẫu thuật: Khoảng 2-3 giờ

Các bước tiến hành

1. Tư thế

- Người bệnh nằm sấp, kê ngực, bụng.

- Xác định đốt tổn thương bằng C-arm.

2. Vô cảm

- Mê nội khí quản

- Tại chỗ gây tê + Adrelanin tráng ống tác dụng cầm máu.

3. Kỹ thuật: (Mô tả các thì hoặc các bước thực hiện kỹ thuật)

- Bước 1: Rạch da

+ Rạch da đường giữa sau (Midline)

+ Bộc lộ cung sau, xác định các mốc bắt vis qua cuống

- Bước 2: Nẹp vis, cố định cột sống

+ Làm dưới hướng dẫn C-arm. Nẹp vis cố định cột sống qua cuống. Bắt trên và dưới đốt tổn thương 2 đốt (thường 8 vis), không bắt vào đốt tổn thương.

+ Đặt Rod, ốc khóa trong, doãng nẹp, siết ốc cố định.

- Bước 3: Mở cung sau lấy áp xe, giải ép

+ Mở cung sau giải phóng chèn ép, lấy tổ chức áp xe gửi giải phẫu bệnh.

+ Phía trước lấy nhẹ nhàng qua động tác vén tủy bằng panh các hướng

- Bước 4: Đóng vết mổ

+ Cầm máu tốt: dao điện lưỡng cực và các vật liệu cầm máu

+ Đặt 1 dẫn lưu kín áp lực âm

Tai biến và xử trí

1. Theo dõi

- Các dấu hiệu sinh tồn: mạch, nhiệt độ, huyết áp

- Dấu hiệu liệt tiến triển

- Dẫn lưu: rút sau 48 giờ

- Khi bệnh ổn định cắt chỉ, sớm gửi điều trị chuyên khoa lao theo phác đồ

2. Xử trí tai biến

- Liệt tiển triển: do chảy máu → mổ lại cầm máu

- Bụng chướng: sonde dạ dày, hậu môn