Các bài viết liên quan
- PHẪU THUẬT TỤ MỦ DƯỚI MÀNG CỨNG
- PHẪU THUẬT THAY BỘ PHÁT KÍCH THÍCH ĐIỆN CỰC THẦN KINH, ĐẶT DƯỚI DA
- PHẪU THUẬT SINH THIẾT TỔN THƯƠNG NỘI SỌ CÓ ĐỊNH VỊ DẪN ĐƯỜNG
- PHẪU THUẬT NỐI ĐỘNG MẠCH TRONG-NGOÀI SỌ
- PHẪU THUẬT MỞ THÔNG NÃO THẤT, NANG DƯỚI NHỆN QUA MỞ NẮP SỌ
- PHẪU THUẬT MỞ CUNG SAU ĐỐT SỐNG ĐƠN THUẦN KẾT HỢP VỚI TẠO HÌNH MÀNG CỨNG TUỶ
- PHẪU THUẬT LẤY MÁU TỤ TRONG NÃO THẤT
- PHẪU THUẬT LẤY MÁU TỤ QUANH Ổ MẮT SAU CTSN
- PHẪU THUẬT LẤY MÁU TỤ NGOÀI MÀNG CỨNG TRÊN LỀU TIỂU NÃO
- PHẪU THUẬT LẤY MÁU TỤ NGOÀI MÀNG CỨNG NHIỀU VỊ TRÍ TRÊN LỀU TIỂU NÃO VÀ/HOẶC DƯỚI LỀU TIỂU NÃO
PHẪU THUẬT U XƯƠNG HỐC MẮT
Quyết định số: 5590/QĐ-BYT
Ngày ban hành: 13/12/2017 12:00
Đại cương
U xương hốc mắt bao gồm các u phát triển từ xương thành hốc mắt. U phát triển gây lồi mắt, lác, mất thị lực.
Chỉ định điều trị
- Có các triệu chứng tại mắt do u gây nên
- U gây hiệu ứng khối
- U tăng kích thước
- Chẩn đoán hình ảnh chưa rõ ràng (sinh thiết)
Chống chỉ định
Người bệnh quá yếu không chịu được phẫu thuật mở nắp sọ
Chuẩn bị
1. Người thực hiện
- Kíp mổ:
+ 3 bác sĩ: 1 phẫu thuật viên chính + 2 bác sĩ phụ mổ
+ Điều dưỡng: 2 điều dưỡng: 1 điều dưỡng dụng cụ (chuẩn bị và trợ giúp dụng cụ trong phẫu thuật) + 1 diều dưỡng chạy ngoài phục vụ cho ca mổ.
- Kíp gây mê:1 bác sĩ gây mê + 1 điều dưỡng phụ mê
2. Phương tiện
- Người bệnh được mê nội khí quản, nên phòng mổ phải đảm bảo đủ trang thiết bị để tiến hành mê nội khí quản.
- Bộ dụng cụ mở sọ thông thường, cần khoan mài tốc độ cao đầu mài 2 mm.
- Kính vi phẫu, dao hút siêu âm, hệ thống định vị thần kinh.
- Vật tư tiêu hao:
100 gạc con, 20 gói bông sọ, 5 sợi chỉ prolen 4.0, 5 sợi chỉ prolene 5.0, 5 sợi chỉ vicryl 2.0 (3.0 đối với trẻ em), 1 gói surgicel, 1 gói spongel, 2 gói sáp sọ
- Bộ dẫn lưu kín đặt dưới da
3. Người bệnh
- Người bệnh được cạo tóc vùng chân tóc, vệ sinh sạch sẽ.
- Đặt sonde tiểu, dạ dày…
- Được khám lâm sàng cẩn thận, khám chuyên khoa mắt. Chụp phim cộng hưởng từ sọ não, phim CT đánh giá cấu trúc xương nền sọ, ổ mắt. Người bệnh và gia đình cần được giải thích kĩ về bệnh tật và quá trình cần được điều trị trước, trong và sau mổ.
Các bước tiến hành
1. Tư thế:
Người bệnh nằm tư thế ngửa, đầu nghiêng 15 độ sang bên đối diện. Có thể lắp đặt hệ thống định vị thần kinh.
2. Vô cảm
- Gây mê nội khí quản.
- Thuốc mê, dịch truyền, máu nếu cần (theo chỉ định của bác sỹ gây mê).
3. Kỹ thuật
- Rạch da theo đường chân tóc từ cung tiếp lên qua đường giữa 1 cm.
- Bóc tách vạt da, cân sọ trán đến khi bộc lộ được bờ trên ổ mắt.
- Bóc tách cơ thái dương.
- Khoan sọ, mở nắp sọ trán và trần ổ mắt. Chú ý bảo tồn thần kinh trên ổ mắt. Tuỳ vào vị trí, kích thước u để tính toán phần trần ổ mắt cần cắt.
- Vén màng cứng vùng trán nền lên, bộc lộ ổ mắt.
- Lấy u xương bằng đục và khoan mài.
- Cầm máu bằng dao đốt lưỡng cực và surgical.
- Đặt lại nắp sọ.
- Đóng vết mổ: cơ, cân, dưới da, da.
Tai biến và xử trí
1. Theo dõi
- Theo dõi sát các chỉ số sinh tồn: Mạch, huyết áp, hô hấp, nhiệt độ.
- Kháng sinh thế hệ 3 sau mổ 1 tuần.
- Theo dõi nước tiểu và thử điện giải hàng ngày.
- Sử dụng corticoid và nội tiết thay thế ngay sau mổ nếu suy tuyến yên…
- Chụp cộng hưởng từ 24-48 giờ sau mổ đánh giá khả năng lấy u.
2. Xử lí tai biến
- Chảy máu não sau mổ (tụ máu ngoài màng cứng, tụ máu trong hốc mắt). Xử trí theo tổn thương chảy máu, mổ lấy máu tụ nếu cần thiết.
- Nhiễm trùng
- Sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ nếu cấy máu, dịch có vi khuẩn.
- Trong trường hợp không thấy vi khuẩn nhưng có bằng chứng vi khuẩn, dùng Cephalosporin thế hệ 3 hoặc 4 kết hợp với nhóm glycosid hoặc glycopeptid.
Biến chứng khác:
+ Giảm thị lực
+ Suy tuyến yên: sử dụng corticoid và thuốc nội tiết thay thế